PHƯƠNG PHÁP ĐO ĐẠC VÀ HIỆU CHỈNH HỆ THỐNG THÔNG GIÓ

ĐẶT VẤN ĐỀ:

– Khi tính toán thiết kế và lắp đặt hệ thống thông gió có thể có những sai lệch làm hệ thống không đảm bảo được các thông số cần thiết, cụ thể là lưu lượng và vận tốc gió, nhiệt độ và độ ẩm v.v… trong các phòng được thông gió không đạt được các giá trị mong muốn như nhiệm vụ thiết kế ban đầu đã cho.

– Để khắc phục những sai lệch nêu trên cần phải tiến hành thử nghiệm và hiệu chỉnh hệ thống thông gió sau khi lắp đặt xong.

– Nhiệm vụ chủ yếu của công tác thử nghiệm và hiệu chỉnh thường là làm thế nào để lưu lượng không khí tại các miệng thổi gió, miệng hút gió cũng như trên các nhánh ống của hệ thống đạt được trị số thiết kế. Ngoài ra, mục đích của thử nghiệm và hiệu chỉnh còn để kiểm tra các thông số làm việc của máy quạt, động cơ điện, bộ sấy, bộ lọc hút bụi v.v… và đối chiếu với thông số tính toán ban đầu.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN:

– Thử nghiệm và hiệu chỉnh lưu lượng của hệ thống thông gió thường được tiến hành theo hai phương pháp cơ bản sau đây:

1-      Thay đổi đường đặc tính của mạng lưới đường ống bằng cách tăng hoặc giảm sức cản thủy lực của hệ thống. Để thực hiện cách hiệu chỉnh này ta có thể đóng hẹp hoặc mở rộng các van điều chỉnh lưu lượng; bổ sung các  lá chắn, lá chớp trên hệ thống đường ống gió v.v…

2-      Thay đổi đường đặc tính của bản thân máy quạt bằng cách tăng hoặc giảm số vòng quay hoặc bằng cánh hướng dòng để thay đổi góc xoáy của không khí vào quạt.

– Cần lưu ý rằng phương pháp thứ 1 không kinh tế nhưng lại được áp dụng phổ biến nhất do đơn giản, dễ thực hiện. Còn phương pháp thứ 2 ngày nay người ta thực hiện được rất hữu hiệu bằng cách điều chỉnh tần số cấp điện (sử dụng biến tần) cho động cơ quạt.

– Phương pháp tối ưu nhất là sử dụng gộp cả hai phương án nêu trên, tức là: sử dụng đồng thời hệ thống van gió tại các điểm phân chia lưu lượng, sử dụng các phụ kiện của đường ống gió (cút – co, côn, tê ống gió, thập ống gió …) có lắp thêm cánh hướng dòng; và sử dụng biến tần cho động cơ quạt gió.

– Hiệu chỉnh hệ thống thông gió được bắt đầu từ máy quạt: áp suất và lưu lượng gió của quạt.

– Hiệu chỉnh hệ thống đường ống được bắt đầu từ các nhánh ống rẽ gần máy quạt nhất. Nhờ có van, lá điều chỉnh trên nhánh ống ta có thể tăng hoặc giảm sức cản cục bộ sao cho lưu lượng trên nhánh ống phù hợp với thiết kế. Quá trình hiệu chỉnh được xem là đạt yêu cầu và kết thúc nếu lưu lượng ở các miệng thổi, miệng hút cũng như trên từng đoạn ống sai lệch không quá ± 10% so với thiết kế. Lưu lượng không khí được xác định bằng cách đo vận tốc trung bình của không khí vTB, m/s và diện tích tiết diện F, m2 rồi tính tích số của 2 đại lượng ấy: vTB.F, m3/s. Vận tốc của luồng khí ở các miệng thổi, miệng hút được đo bằng các loại vận tốc kế thích hợp: vận tốc kế hình gáo, vận tốc kế cánh quạt hoặc vận tốc kế nhiệt điện – điện tử. Các loại vận tốc kế này đã được giới thiệu trong chương 1. Còn vận tốc của không khí trong đường ống – dùng ống đo áp suất gọi là ống pitô và vi áp kế kèm theo. Ống pitô đi kèm với vi áp kế cho phép ta đo được áp suất toàn phần , áp suất tĩnh và áp suất động của không khí trên tiết diện ngang của đường ống. Khi đo lưu lượng không khí (thông qua vận tốc) trong ống tiết diện chữ nhật kích thước A x B, ta càng chia nhỏ tiết diện ống thành những hình chữ nhật con a x b mà a và b càng gần bằng nhau càng tốt, số lượng hình chữ nhật con không dưới 9 và diện tích không quá 0,05m2 rồi tiến hành đo vận tốc tại tâm điểm của các hình chữ nhật con. Tính giá trị lưu lượng đi qua từng hình chữ nhật con rồi tổng cộng lại.

     Nếu tất cả các diện tích hình chữ nhật con đều bằng nhau thì lưu lượng L có thể xác định theo công thức:

L = VTB.F,      m3/s

     Trong đó:

Vtb   –  Vận tốc trung bình của không khí trong đường ống, m/s

F –  Diện tích toàn bộ tiết diện ngang của ống, m2.

     Đối với ống tiết diện tròn cần chia tiết diện ngang của ống thành nhiều hình vành khăn đồng tâm có diện tích bằng nhau. Trên mỗi hình vành khăn cần đo vận tốc ở 4 điểm theo 2 đường kính trực giao. Đối với ống hình chữ nhật, chia tiết diện ngang của ống thành các hình chữ nhật nhỏ có diện tích bằng nhau.

Loathanhduct R2016_08_10 Cach phan luoi do van toc

Số lượng hình vành khăn cần chia là:

3              đối với ống có đường kính < 200 mm

4                                 “                        < 400 mm

5                                 “                         < 700 mm

5 ÷ 6                           “                         > 700 mm

Tin Liên Quan